Trong cổ huấn Trung Quốc có câu: “Hữu ý tài hoa hoa bất phát vô tâm sáp liễu liễu thành âm”. Câu ngạn ngữ của cổ nhân xưa này có dụng ý gì? và trong xã hội ngày nay, liệu có còn đúng không? Bài viết này sẽ giúp mọi người giải mã những câu hỏi trên.
“Hữu ý tài hoa hoa bất phát vô tâm sáp liễu liễu thành âm” mang dụng ý gì?
Nguyên tác đầy đủ của câu trên trong “tăng quảng hiền văn”
“Hữu ý tài hoa hoa bất phát
Vô tâm sáp liễu liễu thành âm
Họa hổ, họa bì, nan họa cốt
Tri nhân, tri diện, bất tri tâm.”
Giải thích nghĩa từng câu như sau: “Hữu ý tài hoa hoa bất phát” có nghĩa “ Có lòng trồng hoa hoa không nở”. “Vô tâm sáp liễu liễu thành âm” ý nói “vô tình cắm liễu liễu thành xanh”. “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt” tức là “ vẽ hổ, vẽ da, khó vẽ xương”. “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” có thể hiểu “nhìn người, nhìn mặt, không biết lòng”. Người xưa đã mượn hình ảnh thiên nhiên để nói về sự đời, người đời. Hoa đại diện cho việc tốt đẹp. Liễu mang ẩn ý cái xấu.
Có rất nhiều cách hiểu cho bốn câu thơ trên nhưng phần lớn được hiểu theo hai ý dưới đây:
Thứ nhất, dụng ý mà cổ nhân muốn ám chỉ trong 2 câu đầu chính là việc cầu mong đến thì không thấy đến, việc không mong lại ồ ạt xuất hiện. Tuy nhiên, mình nghĩ cách hiểu này có vẻ không sát và không liên quan đến 2 câu sau.
Cách giải thích thứ hai đại ý rằng làm việc tốt cho người nhưng người vô tâm, không để ý. Nhưng lỡ đắc tội thì tiếng xấu lại vang xa. Cuộc đời không thể chỉ nhìn vẻ bề ngoài để đoán bản chất bên trong. “Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Lòng người khó đoán nhất và cũng nguy hiểm nhất. Sống cho người người lại phũ phàng, chối bỏ. Một chút vô tình không hòa hảo lại mang tiếng xấu muôn đời. Đây có lẽ chính là dụng ý thực sự mà người xưa muốn đề cập đến. Những lời giáo huấn của cổ nhân xưa quả thật rất nhẹ nhàng, dễ nghe nhưng lại thâm sâu, thâm thúy nhất. Từng chữ, từng câu nghe thấm đến tận xương tận tủy. Liệu rằng lời đúc kết này có còn hợp thời trong xã hội hiện đại ngày nay? Cùng tiếp tục theo dõi nhé.
“Hữu ý tài hoa hoa bất phát vô tâm sáp liễu liễu thành âm” trong xã hội ngày nay có còn đúng?
Con người ở thời nào cũng thế, nhìn người không thể chỉ nhìn diện mạo, khuôn mặt. Và ở xã hội ngày nay thì câu “hữu ý tài hoa hoa bất phát vô tâm sáp liễu liễu thành âm” lại càng chứng minh rõ ẩn ý của nó là hoàn toàn đúng. Thời đại công nghệ ngày càng phát triển, con người phần lớn chỉ dành thời gian cho mạng xã hội, internet… mà quên đi những người thân yêu bên cạnh. Nhưng đáng tiếc hơn là, người ta chỉ quan tâm đến chuyện giật tít mà lãng quên đi lòng tốt. Làm việc thiện, việc tốt bao nhiêu lần nhưng không ai để ý. Chỉ một lần phát ngôn không hợp lòng người thôi cũng đủ mang tiếng xấu.
Đôi khi con người ta chỉ quen soi mói, bới móc những việc xấu, những việc đã qua mà quên đi thành quả của hiện tại cố gắng gây dựng của một ai đó. Giả dụ như các idol, người nổi tiếng hiện nay. Trong khi họ đang cố gắng xây dựng hình tượng hoàn hảo nhưng chỉ một chút sơ sẩy, lỡ lời hay lộ những hình ảnh không đẹp đẽ là lại bị cộng đồng công kích, ghìm nén và đánh đổ tất cả hình tượng đẹp đẽ trước đây. Quả nhiên là hoa khó trồng mà liễu thì dễ xanh. Gieo hạt giống ngô khoai nhưng chỉ nhận lại cỏ dại. Phải chăng đời người lại phũ phàng đến thế? Liệu có nên bơ đi mà sống hay cố gắng chứng minh bản thân?
Có những người chọn cách thờ ơ tất cả, chỉ sống cho bản thân và lơ đi những ánh mắt soi xét của những người xung quanh. Nhưng như thế thật sự có phải là cách tốt? Cô lập? Tất nhiên sẽ chẳng tránh được.
Những người khác lại chọn cố gắng một lần nữa để chứng minh bản thân. Có người thất bại và cũng có người đã thành công. Bởi thế mới nói, đừng trốn tránh, hãy đối mặt, vượt qua thử thách thì thành quả ắt sẽ “ngọt”. Vì người xưa cũng có câu “gieo nhân nào gặt quả nấy”.
Ngoài ra, câu “hữu ý tài hoa hoa bất phát vô tâm sáp liễu liễu thành âm” của cổ nhân trên còn có ý nhắc nhở ta phải cẩn thận trong lời nói cũng như hành động. Nhất là trong thời công nghệ bây giờ. Mạng xã hội có thể chia sẻ một cách nhanh đến chóng mặt. Chỉ một cái click thôi cũng đã đủ làm xáo trộn cuộc sống của một người.
Kết luận
Đọc những lời răn dạy của người xưa thực sự khiến ta thấm nhuần nhiều bài học trong cuộc sống. Chắc hẳn bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về câu: “Hữu ý tài hoa hoa bất phát vô tâm sáp liễu liễu thành âm” rồi đúng không? Mong rằng, những chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn có thêm những hiểu biết về ngạn ngữ Trung Hoa cũng như dụng ý thâm sâu mà cổ nhân xưa để lại và ứng dụng được vào cuộc sống.